Review chi tiết Kindle Scribe sau 6 tháng

Review chi tiết Kindle Scribe sau 6 tháng

6 tháng kể từ thời điểm ra mắt, thông qua vài bản cập nhật phần mềm, mình thấy rằng Kindle Scribe bây giờ đã được việc và giá trị sử dụng cao hơn. Không chỉ nhiều tính năng hỗ trợ ghi chú hơn mà Amazon cũng phần nào đó nới lỏng những hạn chế mà họ thiết lập ra cho chiếc máy đọc sách màn hình 10"3 lần đầu tiên có khả năng ghi chú của họ.
 

Kindle Scribe là một chiếc máy lớn, hoặc rất lớn. Tuy vậy, cách mà Amazon hoàn thiện nó vẫn giống như các sản phẩm máy đọc sách nhỏ hơn, Scribe có vỏ ngoài bằng nhôm nguyên khối và rất mỏng. Chúng ta vẫn có thể cầm nó một cách dễ dàng để đọc sách, dĩ nhiên độ linh hoạt sẽ không thể bằng những chiếc máy nhỏ hơn với màn hình 6 hoặc 7".

 


Amazon hoàn thiện Scribe rất giống Oasis, tức là cứng cáp và cao cấp, hiếm có chiếc máy E Ink nào trên thị trường có được điều này. Bề mặt xung quanh màn hình được hoàn thiện màu xám chứ không phải đen và ở thời điểm ra mắt, mình thấy nhiều người nói với việc kẽ hở giữa màn hình và khung nhôm lớn thì tới bây giờ mình thấy nó không gây ra rắc rối nào, và cũng ít ai để ý. Ở mặt lưng Amazon cũng trang bị bốn núm cao su để nâng máy lên, cái này quan trọng cho những ai không dùng cover và đặt máy trực tiếp lên mặt bàn để ghi chú.

Mình chọn bút Premium và vỏ da cao cấp, tổng hai món này mình tham khảo tại Máy Đọc Sách Tốt có giá 4,5 triệu đồng. Đây là hai phụ kiện mình nghĩ anh em mua Scribe thì nên đầu tư để bảo vệ máy tốt hơn, hỗ trợ ghi chú tốt hơn. Scribe có thể dùng với các bút công nghệ Wacom và không cần sạc pin nên thoải mái sử dụng. Bản Premium của bút có thêm đầu tẩy và phím tắt, mình đang thiết lập để khi bấm giữ nút này, bút sẽ chuyển thành bút đánh dấu, dù mình đang chọn nó là bút chì hay bút máy.
 

 


Cảm giác viết lên màn hình E Ink nhám rất đã, gần giống như khi chúng ta thao tác trên giấy thật, nó có chút nhám để tăng độ bám và ma sát chứ không trơn tuột như iPad. Bút Premium cũng xịn, đầu tẩy nhấn xuống và di trên màn hình là nó sẽ xóa, chả khác nào một cái bút chì vậy. Còn với bao da bảo vệ, nó được gắn với Scribe qua hit nam châm, ngoài làm vỏ bảo vệ và đựng bút thì chúng ta còn có thể nâng máy hoặc dựng đứng máy khi đọc, khi viết. Bao da này có lớp nỉ mềm bên trong và da mịn bên ngoài, cảm giác rất là cao cấp.

Amazon thống nhất một độ phân giải 300dpi cho toàn bộ dải máy E Ink của họ, nên Scribe dù có màn hình 10"3 thì chúng ta vẫn có một độ phân giải cao, nội dung hiển thị đẹp và sắc nét. Về màn hình mình không chê gì, thực ra thì một thiết bị E Ink mà có giá lên tới gần 12 triệu đồng thì rất khó để chê vì công nghệ E Ink cũng đơn giản hơn là những màn hình màu của điện thoại, tablet. Dĩ nhiên là Scribe cũng có khả năng điều chỉnh độ sáng tự động, có đèn vàng và đèn trắng kết hợp. Tấm nền E Ink của máy rất đẹp và trong, hỗ trợ ghi chú tuyệt vời.

 


Sau khi cài bản cập nhật mới nhất (v5.16.2), Kindle Scribe đã làm được việc hơn xưa. Nếu trước đây chúng ta chỉ có duy nhất một loại bút bi và bút đánh dấu thì giờ đây Amazon trang bị cho máy thêm bút máy và bút chì. Tức là ba loại bút phổ biến nhất để vẽ, để ghi chú là bút bi, bút máy và bút chì thì đều đã xuất hiện trên Scribe.

Nếu so với các thiết bị E Ink có ghi chú khác từ các thương hiệu như Onyx, Remarkable thì Kindle Scribe vẫn rất nghèo nàn về các tính năng, nhưng như vậy thì nó mới đảm bảo sự đơn giản và dễ sử dụng, ai cũng có thể dùng được ngay mà không cần làm quen. Chúng ta có thể lựa chọn các bản mẫu tờ giấy ghi chú, chọn vài loại bút, vài độ đậm nhạt của nét chữ, chọn nhanh và di chuyển nội dung, chuyển chữ viết thành văn bản, thế là đủ. Công cụ lasso bây giờ cũng có trên Scribe, chúng ta có thể khoanh vùng một hình vẽ, văn bản hay bất kỳ thành phần nào khi ghi chú để copy, chỉnh kích thước hay di chuyển nó một cách dễ dàng.

Còn về công cụ chuyển chữ viết tay thành kỹ thuật số thì chưa hữu dụng lắm cho người dùng Việt Nam vì chưa hỗ trợ tiếng Việt. Nhưng nếu anh em hay ghi chú bằng tiếng Anh thì nó sẽ rất giá trị khi có thể ghi chú và chia sẻ nội dung đó thông qua email một cách dễ dàng.
 

 

 

Ở thời điểm ra mắt, Amazon tuyệt nhiên không cho chúng ta ghi chú trực tiếp lên sách mà phải thông qua các sticky note (giấy ghi chú), thực ra đến giờ vẫn vậy. Mình nghĩ Amazon làm vậy vì họ phải quản lý một kho sách khổng lồ và vấn đề bản quyền, nên chúng ta chỉ có thể tạo các sticky note ở đoạn nào muốn ghi chú và thực hiện trên đó mà thôi, chứ không thể ghi trực tiếp, gạch chân hay đánh dấu lên cuốn sách đang đọc. Tuy nhiên, hiện tại trên Kindle Store đã có một mục là các cuốn sách có thể ghi chú lên đó được, mình tìm thì chỉ thấy các sách về hướng dẫn, các trò chơi cần bút như sudoku, cờ caro gì đó. Nói chung là Scribe vẫn chưa hỗ trợ ghi chú lên sách.

Với các nội dung chép từ máy tính như PDF thì chúng ta có thể ghi chú thoải mái. Nói về PDF thì mình có thể dễ dàng chép nó từ máy tính vào thông qua Send to Kindle, chúng ta có thể thực hiện thông qua email, Microsoft Word hoặc từ trình duyệt web (https://sendtokindle.amazon.com). Tất cả những gì cần làm là kéo thả file PDF và nó sẽ xuất hiện trên máy Kindle. Tuy nhiên mình thấy rằng file PDF sau khi ghi chú mà gửi qua email thì phần ghi chú khi xem ở máy tính và phóng to sẽ bị vỡ chứ không nét nữa. Các file PDF khi xem trên Kindle Scribe cũng có thể dễ dàng căn chỉnh lề, phóng to để nội dung vừa với màn hình.
← Bài trước Bài sau →